Bánh đa cua Hải Phòng - Món ăn mang hương vị của đất trời

Thứ bảy - 30/11/2024 05:34
Với những người dân Hải Phòng, trong bát bánh đa cua có hương sắc của trời, vị đậm đà, dân giã của đất quê hương.
Sức hấp dẫn của Bánh đa cua Hải Phòng khiến bao người không thể nào chối từ. Đây là đặc sản nổi tiếng hội tụ đầy đủ sắc hương vị và một phần văn hóa của Hải Phòng. Đến với nơi đây mà chưa một lần thưởng thức bánh đa cua thì chẳng khác nào đã bỏ lỡ tinh hoa trong nền ẩm thực đất Cảng.

1. Giới thiệu đôi nét về Bánh đa cua Hải Phòng

Nếu như Yên Bái nổi tiếng với món bánh chưng đen ở Cánh đồng Mường Lò thì Bánh đa cua Hải Phòng được người dân nơi đây xem như là linh hồn của nền ẩm thực đất Cảng. Không chỉ có từ lâu đời, món ăn này còn chứa đựng một phần văn hóa đặc sắc của vùng đất du lịch Hải Phòng từ xưa đến nay. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, món bánh đa cua vẫn gắn liền với đời sống và tinh thần của người dân nơi đây.

Không chỉ là một món ăn thông thường, Bánh đa cua Hải Phòng còn là một biểu tượng của vùng đất đầu sóng ngọn gió. Vào năm 2012, Bánh đa cua Hải Phòng cùng với một vài món ăn nổi tiếng khác như phở, cơm cháy Ninh Bình, gỏi cuốn...được công nhận là món ăn đạt kỷ lục Châu Á tại Faridabad (Ấn Độ). Đồng thời còn vượt qua nhiều đặc sản khác để lọt vào TOP15 món ăn đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam đa dạng và phong phú. Càng ngày bánh đa cua càng nổi tiếng và vươn xa ra khắp thế giới.
 
bdc1
Bánh đa cua Hải Phòng được người dân nơi đây xem như là linh hồn của nền ẩm thực đất Cảng. Ảnh: Sưu tầm
Theo Cẩm nang du lịch Hải Phòng, nhắc đến nguồn gốc của Bánh đa cua Hải Phòng thì phải quay ngược thời gian trở lại thế kỷ 10. Tiền thân của món bánh đa cua ban đầu chỉ là một loại lương khô đặc biệt được đặt tên là bánh đa. Bánh này cực kỳ dễ ăn, chỉ cần nhúng vào nước sôi cùng chút muối bột là đã có thể để dành ăn dần trong nhà.

Mãi đến thế kỷ 13, món ăn này mới được ông Trần Quốc Thi chế biến, thêm thắt các loại gia vị để trở thành Bánh đa cua Hải Phòng ngày nay. Chính vì lẽ đó, bánh đa cua trong mắt người dân Hải Phòng không chỉ là món ăn thỏa mãn được cả ba yếu tố hương, sắc, vị mà còn chứa đựng hết những tinh hoa ẩm thực cùng tấm lòng chân thành của người dân đất Cảng.
 
Banh da cua Hai Phong 1a 1724991656 173 width960height1280
Bánh đa cua chứa đựng hết những tinh hoa ẩm thực cùng tấm lòng chân thành của người dân đất Cảng. Ảnh: sưu tầm
2. Món ăn này có gì đặc biệt?

2.1 Ba nguyên liệu chính không thể thiếu trong Bánh đa cua Hải Phòng

Bánh đa cua cầu kỳ từ hình thức đến cách chế biến. Để nấu được món Bánh đa cua Hải Phòng đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu đa dạng. Trong đó, ba nguyên liệu chính nhất định không được để thiếu khi chế biến chính là bánh đa, cua đồng và rau muống. Không có một trong ba nguyên liệu này thì món ăn xem như đã mất đi một phần hương vị đặc trưng của Bánh đa cua Hải Phòng.

Trong đó, bánh đa được lựa chọn phải là loại bánh đa đỏ nổi tiếng Dư Hàng Kênh. Hiện chỉ có ở quận Lê Chân, Hải Phòng là có bán loại bánh đa này. Để có được sợi bánh đúng chuẩn, người ta phải chọn loại gạo ngon, ngâm nước rồi đem đi xay nhuyễn đến khi bột bánh dẻo mịn. Sau đó phải trải qua vô vàn công đoạn chế biến, tráng bánh thì mới ra được loại bánh đa đỏ nức tiếng đất Cảng.

Sau này khi món bánh đa cua ngày càng phổ biến, người dân nơi đây mới thêm vào nhiều nguyên liệu khác lấy từ vùng biển quê mình như tôm, bề bề, ghẹ, nem cua bể...để chế biến món ăn. Cho dù có được biến tấu với nhiều công thức khác nhau nhưng hương vị của Bánh đa cua Hải Phòng vẫn không thay đổi, hương vị vẫn đắm say y nguyên như những ngày đầu.
 
banh da cua 20230801120709011
Ba nguyên liệu chính nhất định không được để thiếu khi chế biến chính là bánh đa, cua đồng và rau muống. Ảnh: sưu tầm
2.2 Món ăn cầu kỳ từ cách chế biến đến hình thức

Cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thì mới cho ra được hương vị Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn. Quan trọng nhất khi chế biến bánh đa cua chính là nước dùng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, canh thời gian, nhiệt độ, thứ tự cho nguyên liệu vào đều phải thật chuẩn xác. Chỉ cần sai lệch ở một khâu là đã đánh mất đi hương vị vốn có của bánh đa cua. Chính vì thế người chế biến Bánh đa cua Hải Phòng phải là người có tay nghề, kỹ thuật cùng kinh nghiệm lâu năm.

Sau khi chế biến xong, sắc màu trong nồi nước dùng bánh đa cua phải thật bắt mắt. Nào là màu vàng sóng sánh của gạch cua hòa lẫn cùng nước dùng, màu đo đỏ của thịt tôm, cua đồng hay màu xanh mướt của rau muống...Tất cả nguyên liệu cùng quyện hòa tạo nên một sức hút khó cưỡng khiến bất kì ai cũng phải đổ gục ngay từ lần đầu tiên.

Thoạt nhìn, nhiều người thường nhầm lẫn giữa bún riêu và Bánh đa cua Hải Phòng. Tuy nhiên cả hai món ăn này đều có sự khác biệt nhau vô cùng đặc trưng ở màu sắc lẫn hương vị. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy được màu nước dùng bánh đa cua đục hơn của bún riêu. Khi ăn vào thì có vị ngọt thanh, đậm mùi thơm của cua đồng.
 
bdc2
Cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thì mới cho ra được hương vị Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn. Ảnh:sưu tầm
2.3 Món ăn gắn liền với đời sống văn hóa và con người đất Cảng

Có thể nói rằng Bánh đa cua Hải Phòng chính là tinh hoa của nền ẩm thực đất Cảng. Tuy rằng bánh đa cua ngày nay vô cùng phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng chỉ có món bánh đa cua chế biến tại đất Hải Phòng mới thực sự đem lại trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn. Thưởng thức một tô bánh đa cua, mọi người không chỉ được nếm thử một món ăn trứ danh Hải Phòng mà còn được thưởng thức trọn vẹn hương vị của vùng biển quê hương.

Người dân Hải Phòng có thể ăn bánh đa cua quanh năm mà không hề ngán. Với họ, Bánh đa cua Hải Phòng như một nét đẹp trong ẩm thực đất Cảng, gắn liền với tuổi thơ và đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Dù có đi xa đến mấy hay đã lâu không được thưởng thức một tô bánh đa cua đúng chuẩn Hải Phòng thì chỉ cần quay về, gọi một tô bánh đa cua, gắp thử một đũa bánh nóng hổi, sánh mịn cho vào miệng là biết bao ký ức xưa đã quay về. Hương vị quê hương cứ thế len lỏi vào trong và đánh thức trái tim của những người con xa xứ.
 
bdc3
Bánh đa cua Hải Phòng như một nét đẹp trong ẩm thực đất Cảng, gắn liền với tuổi thơ và đời sống văn hóa của người dân. Ảnh: sưu tầm
3. Thưởng thức bánh đa cua sao cho đúng chuẩn?

Điều đặc biệt mà chỉ có Hải Phòng mới đem lại được cho bạn chính là bánh đa được lựa chọn chế biến là bánh đa tươi, mềm mịn, dẻo dai, không bị bở hay nhũn ra sau khi nấu cùng nước dùng. Còn ở những nơi khác, bánh đa được dùng thường là loại bánh đa khô bảo quản được lâu, hương vị đặc trưng của bánh đa hầu như đã mất dần theo thời gian.

Một bát Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn phải có đủ những sắc màu bắt mắt, sợi bánh đa to màu nâu đất, sánh mịn. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận chân thật hương thơm lừng từ củ hành, vị béo ngậy nhưng không ngán của gạch cua. Sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị càng khiến cho người thưởng thức không kiềm lòng trước sức hút của bánh đa cua.
 
bdc2
Một bát Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn phải có đủ những sắc màu bắt mắt, sợi bánh đa to màu nâu đất, sánh mịn. Ảnh: sưu tầm
Bên cạnh Bánh đa cua Hải Phòng, Nem cua bể Hải Phòng cũng là một món ăn mang hương vị của vùng biển nơi đây. Đến với đất Cảng đầy nắng và gió, thưởng thức một tô bánh đa cua nóng hổi, thơm ngon nghi ngút khói cùng với miếng nem cua bể vàng ruộm, đầy ắp nhân thịt bên trong chắc chắn sẽ khiến vị giác của bạn bùng nổ. Đừng để bỏ lỡ những món ngon nổi tiếng đất Cảng trở thành niềm nuối tiếc của bạn sau chuyến hành trình.
 

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, duy chỉ có Làng Lạng Côn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là một trong những nơi đang lưu giữ truyền thuyết về món bánh đa cua. Trong chùa Lạng Côn, ngôi chùa cổ xây dựng từ thời Lý - Trần có thờ hai vị thành hoàng làng là Chu Xích Công và Trần Quốc Thi. Truyền thuyết của hai vị thành hoàng làng cũng gắn với sự ra đời của món bánh đa nhúng (tiền thân của bánh đa cua) và món bánh đa nướng ngày nay. Lịch sử của làng ghi lại,vào thế kỉ 10, ông Chu Xích Công (người Hoa) sang Việt Nam sinh sống và mở trường ở làng Lạng Côn. Sau này, ông được tiến cử làm tướng trong triều, theo vua Lê Hoàn đánh trận trong cuộc chiến tranh Đại Việt - Chiêm Thành (vương quốc người Chăm Pa). Để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm thuận tiện sử dụng và bảo quản khi chinh chiến lâu dài, ông đã sáng tạo một loại lương khô đặc biệt làm từ gạo, đó chính là bánh đa khô. Bánh đa chỉ cần nhúng vào nước sôi, thêm chút muối là có thể ăn được. Khi thắng trận trở về làng, ông đem công thức làm món bánh đa để dạy cho dân làng. Khi ông mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng và lập miếu thờ ông. Đến thế kỷ 13, ông Trần Quốc Thi là một vị quan nhà Trần, đã giúp dân làng Lạng Côn mở mang nông nghiệp, dựng trường học ở làng. Món bánh đa được ông kế thừa, chế biến dễ dàng, ngon miệng hơn. Sau này, ông đã đóng góp lương thực cho nhà Trần trong cuộc chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt ( tên nước trước đây của Việt Nam ). Sau khi mất, ông cũng được người dân đưa vào miếu thờ như một vị thành hoàng làng. Trải qua nghìn năm thay đổi, món bánh đa này được chế biến bằng nước nấu cua thay vì nước sôi, theo đó là nhiều gia vị, nguyên liệu riêng của người Hải Phòng, cho ra đời món bánh đa cua nổi tiếng trứ danh như ngày nay.

Tác giả: Tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng. Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...

Thăm dò ý kiến
Hải Phòng trong bạn là gì?
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây