Sức hấp dẫn của cuộc 'tái đấu' đầu tiên Trump - Biden

Thứ năm - 27/06/2024 23:31
Cuộc tranh luận này được coi là màn tái đấu đầu tiên trong một cuộc tranh luận của ông Biden và ông Trump kể từ cuộc bầu cử năm 2020. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ giữa hai ứng cử viên cao tuổi nhất và là cuộc tranh luận tổng thống sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sức hấp dẫn của cuộc 'tái đấu' đầu tiên Trump - Biden
Sức hấp dẫn của cuộc tranh luận

Tổng thống Biden và ông Trump đã có cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ngày 27/6 (giờ Mỹ) ở Atlanta. Thông thường thì hai ứng cử viên sẽ tiến hành tranh luận sau khi đã được đảng của họ chính thức đề cử nhưng truyền thống này đã không diễn ra trong năm nay. Mặc dù cả hai ứng cử viên đã đủ số đại biểu để đại diện cho đảng nhưng phải đợi tới đại hội đảng vào giữa tháng 7 đối với đảng Cộng hòa và tháng 8 đối với đảng Dân chủ thì họ mới chính thức được đề cử.

Cuộc tranh luận này cũng được coi là màn tái đấu đầu tiên trong một cuộc tranh luận của ông Biden và ông Trump kể từ cuộc bầu cử năm 2020. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ giữa hai ứng cử viên cao tuổi nhất và là cuộc tranh luận Tổng thống sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Phiên tranh biện đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là cuộc đối đầu lịch sử giữa một đương kim Tổng thống và một cựu Tổng thống, chính vì vậy, người dân Mỹ rất chờ đợi khi thăm dò cho thấy 4/10 người sẽ xem trực tiếp sự kiện này.
trumbiden

Còn một số yếu tố khác cũng tạo nên sự hấp dẫn của cuộc tranh luận như các quy định không được mang đạo cụ hay ghi chép được chuẩn bị trước, micro sẽ bị tắt cho tới khi tới lượt trả lời, trong hai khoảng thời gian nghỉ quảng cáo, nhân viên của cả hai bên không được tương tác với ứng cử viên, và sẽ không có khán giả trực tiếp trong thời gian diễn ra tranh luận. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, sự kiện sẽ diễn ra mà không có khán giả trực tiếp để bảo đảm ứng cử viên có thể tối đa hóa thời gian quy định.

Cuộc tranh luận được cho là sẽ mang lại sự tương phản rõ rệt nhất giữa hai ứng cử viên và cách họ thể hiện như thế nào có thể sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các cử tri còn do dự hoặc các cử tri chưa đăng ký bỏ phiếu. Có thể nói cuộc tranh luận sẽ đánh dấu giai đoạn mới của cuộc đua Tổng thống khi còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu.

Chiến lược của hai ứng viên trong “phép thử của sự minh mẫn”

Độ tuổi của các ứng cử viên chính là một trong những mối quan tâm của cử tri Mỹ khi trong năm nay ông Biden sẽ bước sang tuổi 82 còn ông Trump sang tuổi 78, đây là hai ứng cử viên nhiều tuổi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Cuộc tranh luận lần này đúng là một phép thử của không chỉ sự minh mẫn mà còn sức khỏe khi cả hai ứng cử viên sẽ phải trải qua 90 phút tranh luận mà không được mang theo bất cứ sự trợ giúp nào lên sân khấu.

Trong các cuộc khảo sát trước tranh luận, sức khỏe tâm thần của các ứng cử viên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cử tri còn chưa quyết định. Có tới 78% số người được hỏi cho rằng ông Biden đã quá lớn tuổi để đảm đương công việc của Tổng thống trong khi con số này là 53% đối với ông Trump.

Đây chính là cơ hội để đương kim Tổng thống Joe Biden chứng tỏ cho các cử tri còn nghi ngờ về sức khỏe của ông là ông đủ khả năng điều hành đất nước thêm 4 năm nữa. Việc thể hiện tốt và minh mẫn sẽ đánh tan các tin đồn và quan ngại về sức khỏe của ông và hướng cử tri về các vấn đề chính sách. Trong khi đó, việc thể hiện không tốt sẽ có thể ảnh hưởng tới khả năng gây quỹ đồng thời mang lại lợi thế cho đối thủ Donald Trump trong các cuộc khảo sát. Chính vì vậy, ông Biden trong thời gian qua đã cùng đội ngũ của mình dành nhiều thời gian tiến hành các cuộc tranh luận giả lập để chuẩn bị cho buổi tranh luận.

Không chỉ ông Biden mà ông Trump cũng đã nhiều tuổi và các cử tri ít nhiều cũng lưu ý tới vấn đề này. Chính vì vậy, trong cuộc tranh luận này, ông Trump sẽ cần thể hiện mình vượt trội đối thủ trong các vấn đề chính sách và cả sức khỏe tâm thần.

Tại thời điểm khi chỉ còn chưa tới 5 tháng nữa sẽ tới ngày bầu cử, cuộc tranh luận lần này thực sự gây rất nhiều sức ép về cả tinh thần và sức khỏe đối với cả hai ứng cử viên nhưng nếu thể hiện tốt thì đó sẽ là một điểm cộng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ngày càng trở nên gay cấn.

Nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân trước cuộc bầu cử và ứng cử viên chắc chắn sẽ được hỏi về chính sách và cách tiếp cận kinh tế của họ. Vấn đề nhập cư, an toàn công cộng và quyền phá thai cũng có khả năng là chủ đề tranh luận vì chúng được xếp hạng cao trong mối quan tâm của cử tri. Chính sách đối ngoại có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều cử tri, song cách hai ứng viên tranh luận về xung đột Ukraine và Dải Gaza có thể tác động đến cuộc đua sít sao, khi ông Trump muốn tìm cách tạo ra sự thay đổi, còn ông Biden cho rằng đảng Cộng hòa sẽ làm tổn hại lợi ích Mỹ.

Với tư cách là tổng thống đương nhiệm, ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về vấn đề nóng bỏng mà đất nước đang phải đối mặt như lạm phát, an ninh biên giới và vấn đề người nhập cư. Trong khi đó, ông Trump phải đối mặt với thách thức pháp lý kể từ khi rời nhiệm sở, bao gồm việc bị kết án trong vụ chi tiền bịt miệngnăm 2016. Ông Trump cũng phải đối mặt với 3 phiên tòa hình sự khác sắp diễn ra - bao gồm cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
 
 

 

 

Tác giả: Phạm Huân/VOV-Washington

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng. Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...

Thăm dò ý kiến
Hải Phòng trong bạn là gì?
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây