Quy mô sản xuất còn hạn chế
Tại trang trại Chapi Farm ở xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy), ngày nào cũng có xe chở rau xanh hữu cơ đi phân phối tại các cửa hàng nông sản an toàn trong thành phố. Anh Phạm Anh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của nông trại cho biết, trang trại đi vào hoạt động từ năm 2022 với hơn 30 nhà lưới sản xuất rau hữu cơ, duy trì đều đặn sản lượng thu hoạch 2-3 tạ rau, quả hữu cơ mỗi ngày để cung cấp ra thị trường. Cùng với trang trại Chapi, trang trại của VinEco tại xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) cũng sản xuất rau xanh hữu cơ, nhưng chỉ đủ cung cấp cho hệ thống cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, siêu thị theo hợp đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, một số nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn bước đầu sản xuất rau theo hướng hữu cơ, chú trọng các quy trình canh tác hữu cơ để có sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên diện tích sản xuất còn khiêm tốn, toàn thành phố mới có hơn 72ha canh tác rau theo hướng hữu cơ, diện tích được cấp giấy chứng nhận hữu cơ chỉ khoảng hơn 5,4ha, chiếm 0,04% tổng diện tích sản xuất rau xanh của toàn thành phố.
Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng) Bùi Cảnh Đức thông tin, hiện nhiều nông dân, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận, mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng gặp khó khăn về điều kiện. Cụ thể, việc xác định loại đất, chi phí phân tích mẫu đất, mẫu nước đòi hỏi khắt khe, khó áp dụng và mất nhiều thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang hữu cơ. Lựa chọn các loại vật tư đầu vào (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) để sản xuất hữu phải tuân thủ nghiêm ngặt theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017 trồng trọt hữu cơ. Sản phẩm muốn được công nhận là sản phẩm hữu cơ phải được một tổ chức độc lập chứng nhận và mất chi phí, trong khi người sản xuất nhỏ, lẻ khó có điều kiện để làm thủ tục này; thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng khó tiếp cận. Mặt khác, để canh tác rau hữu cơ, một số nông dân chủ yếu học hỏi nhau kinh nghiệm, vì các cơ quan chức năng chưa có đầy đủ các quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ cho cây rau hoặc nhóm cây rau; tài liệu về đào tạo canh tác hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến.
Sản xuất rau hữu cơ tại trang trại Chapi Farm, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy).
Tháo gỡ vướng mắc, mở rộng diện tích
Theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của UBND thành phố, định hướng phát triển sản xuất trồng trọt rau hữu cơ đến năm 2025, toàn thành phố có 22 vùng sản xuất rau hữu cơ, tổng diện tích 144ha. Đến năm 2030, phát triển 32 vùng sản xuất rau hữu cơ, tổng diện tích 213ha (Tiên Lãng 20ha, Thủy Nguyên 14ha, Kiến Thụy 17ha, Vĩnh Bảo 119ha, An Dương 30ha, An Lão 13ha).
Để đạt được mục tiêu sản xuất trên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, ông Bùi Thanh Tùng thông tin, Sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản, nội dung liên quan đến phát triển sản xuất hữu cơ đến doanh nghiệp, người sản xuất biết và chủ động tham gia, phối hợp mở rộng trồng trọt hữu cơ;nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đơn vị phối hợp xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất rau xanh hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước nhân rộng; giao các cơ quan chức năng thuộc Sở hướng dẫn người sản xuất bố trí khung thời vụ, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, sử dụng bộ giống phù hợp với canh tác hữu cơ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong quá trình sản xuất rau hữu cơ. Theo Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng Trần Minh Tiến, Nghị quyết 15 của HĐND thành phố có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ đề nghị được xét duyệt hưởng cơ chế này, nhưng không đủ điều kiện vì diện tích sản xuất nhỏ hơn quy định. Vì vậy, Chi Cục tham mưu, đề xuất thành phố điều chỉnh quy định về điều kiện diện tích sản xuất phù hợp thực tế; mở rộng kinh phí hỗ trợ truy xuất nguồn gốc với sản phẩm rau hữu cơ. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Phòng Kỹ thuật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, quy trình canh tác để sản xuất rau hữu cơ theo đúng tiêu chuẩn quy định; kết nối các đơn vị chứng nhận sản phẩm rau hữu cơ để tư vấn, hướng dẫn người sản xuất đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Tại các địa phương, chính quyền cần tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp hợp tác mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.