Hội Hải Phòng Trong Tôihttps://hoihaiphongtrongtoibm.com/uploads/logo.png
Thứ sáu - 29/11/2024 21:25
Điểm sáng nổi bật là tăng trưởng kinh tế, với hơn 5 năm liên tục kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030
Trong đó, điểm sáng nổi bật là tăng trưởng kinh tế, với hơn 5 năm liên tục kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45), Hải Phòng luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, bình quân giai đoạn 2019- 2023, GRDP của Hải Phòng tăng 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần so với giai đoạn 2014-2018 và gần đạt mục tiêu đề ra trong NQ45 (13%/năm).
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân, từ mức độ tăng trưởng nêu trên, quy mô kinh tế của Hải Phòng giai đoạn 2019-2023 đã mở rộng rất nhiều, chỉ đứng sau TP Hà Nội trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tính đến hết năm 2023, GRDP của Hải Phòng đạt 402.504,70 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2018, chiếm khoảng 12,8% GRDP vùng đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng kinh tế được tăng lên do chuyển đổi mô hình theo hướng đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân, gia tăng tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp vào quy mô tăng trưởng.
Tại Hội nghị đánh giá sơ kết 5 năm triển khai NQ45 của Bộ chính trị do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức mới đây, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, một điểm sáng rất ấn tượng của Hải Phòng khi thực hiện NQ45 là tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GRDP tăng từ 47,17% năm 2019 lên 53,34% năm 2023, là động lực tiền đề để Hải Phòng nổi lên thành điểm sáng về thu hút nguồn vốn FDI, với tổng vốn thu hút đạt hơn 14 tỷ USD, gấp 2,5 lần giai đoạn trước khi NQ45 được ban hành (2014-2018), thuộc nhóm đầu cả nước. Nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới và trong nước đã đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêu biểu như các Tập đoàn LG, SK (Hàn Quốc), Tập đoàn Bridgestone; Nipro Pharma; Fuji Xerox, Sumitomo (Nhật Bản); Vinfast (Việt Nam)…
Điều quan trọng hơn, kết quả thiết thực của tăng trưởng quy mô kinh tế chính là hiệu quả được phản ánh thông qua tăng thu ngân sách hàng năm. Giai đoạn 2019-2023, tổng thu trên địa bàn của Hải Phòng đạt 468.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,1%, cao hơn bình quân cả nước là 6,1%. Trong đó có 2 năm liền, Hải Phòng đã đứng trong danh sách các địa phương có số thu hơn 100.000 tỷ đồng. Từ đây, TP có thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển kinh tế và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế. Đặc biệt riêng lĩnh vực chăm lo gia đình chính sách, người có công, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, Hải Phòng nhiều năm nay luôn đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin liên tục được đầu tư nâng cao, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, giai đoạn 2019-2023 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Trong đó, năm 2021 vươn lên vị trí thứ 2, năm 2022 và 2023 đều xếp vị trí thứ 3; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Bước sang năm 2025, cũng là thời điểm mang tính bản lề đưa Hải Phòng cùng cả nước bước mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Hải Phòng đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trang trước thềm lộ trình, nổi bật là vận hành 2 đô thị mới là quận An Dương và TP Thủy Nguyên, đồng thời Hải Phòng đã được Quốc hội thảo luận, dự thảo Nghị quyết về tổ chức Chính quyền đô thị. Cũng theo kế hoạch năm 2025 sẽ diễn ra Đại hội 17 Đảng bộ TP Hải Phòng, nhằm đánh giá tổng kết những bài học kinh nghiệm và đề ra những quyết sách mới, tiếp tục thể chế hóa tinh thần NQ45. Tất cả những điều này sẽ tạo ra xung lực mới, những đòn bẩy có tính đột phá đưa Hải Phòng bứt tốc mạnh mẽ.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, để chuẩn bị cho bước đà tiếp theo, TP đã và đang triển khai một khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa trọng đại. Trước hết là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong bộ máy chính trị, củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp đó là những công việc rất cụ thể là vận hành hạ tầng cơ sở đồng bộ, tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hải Phòng cũng đang xúc tiếp đưa nhiệm vụ liên kết vùng vào bệ phóng với tầm cao và xa hơn, điểm nhấn là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh. Từ đó vươn tầm kết nối xã hơn tới các địa phương khác của cả nước, với hành lang phát triển Nam Trung Quốc – Bắc Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng, trên chặng đường mới, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, Hải Phòng vẫn kiên quyết, kiên trì, nhất quán nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu NQ45 đề ra. Cơ sở cho niềm tin đó của Hải Phòng là sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của Trung ương, hòa cùng quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, quyết biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực thực tế để phát triển. Đặc biệt dịp tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện NQ45, cũng chính là cơ hội để các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng của NQ45.
Trong chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng còn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng GRDP đang chững lại và khó đạt mục tiêu; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để TP Hải Phòng phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Hải phòng cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực. Trước yêu cầu cao của NQ45, Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu, muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt, bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất”.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng rằng, với quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng, cùng với sự ủng hộ của Trung ương, tin tưởng rằng Hải Phòng sẽ sớm thành công và trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hóa mới, sớm hiện thực hóa “Tầm nhìn 2045” mà NQ45 của Bộ Chính trị đặt ra, đó là trở thành TP có trình độ phát triển cao trong nhóm các TP hàng đầu châu Á và thế giới.
Nằm yên bình soi bóng mình bên vịnh bắc bộ, Hải Phòng được gọi với cái tên Thành phố Hoa phượng đỏ và một cái tên nữa dù không chính thức nhưng cũng đã được dùng cho Hải Phòng từ những năm sau giải phóng thống nhất đất nước là Thành phố Cảng.
Ngay từ cái tên của Thành phố đã mang lại cho các bạn...